Giới thiệu về Đà Lạt


Đà Lạt là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng khá nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới với nhiều tên gọi thân thương như : thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông, thành phố sương mù, thành phố của tình yêu và nổi nhớ hay Paris thu nhỏ,… Đây là thành phố hơn 120 năm tuổi được người Pháp xây dựng để làm nơi nghỉ dưỡng, hồi sức cho lính viễn chinh Pháp trong thời kì xâm lược Việt Nam.


 Vị trí địa lý:

Thành phố Đà Lạt nằm trên cao nguyên Langbiang với độ cao trung bình là 1500m so với mực nước biển, tiếp giáp với các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, và là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế thì giao thông đến đây cũng khá phát triển, những tuyến đường nối Nha Trang, Phan Thiết, thành phố Hồ Chí Minh cũng dần được xây dựng và hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế- du lịch nơi đây.


Khí hậu Đà Lạt:

Nằm trên độ cao 1500m so với mực nước biển, cùng với sự bao phủ của núi rừng Tây Nguyên khiến cho Đà Lạt có khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ,vì vậy, đây là nơi thích hợp để phát triển du lịch ngỉ dưỡng, tránh nóng.

Chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ Đà Lạt ngày càng tăng so với trước kia, nhưng nhiệt độ trung bình nơi đây chỉ giao động từ 18- 22OC.


Khí hậu ở đây chia ra 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5- 10 hàng năm, mùa khô bắt đầu từ  tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mặc dù mùa khô nhưng khí hậu Đà Lạt vẫn hay có những cơn mưa bất chợt, nhiệt độ luôn luôn mát mẻ, nên đây được chọn là điểm đến lý tưởng để tránh nóng cho du khách các tỉnh đồng bằng.

Lịch sử hình thành

Cao nguyên Langbiang trước khi được khai phá bởi người Pháp là địa phận cư trú của người đồng bào dân tộc thiểu số CơHo. Họ sinh sống bằng phương pháp canh tác nông nghiệp thô sơ, họ chỉ trồng trọt ở các vùng ven suối để cây cối dể dàng phát triển, ngoài ra con có hoạt động săn bắt hái lượm để tìm thêm nguồn thức ăn. Thời kì này thì cao nguyên Langbiang là một bí ẩn với người Việt, cũng như người Pháp xâm chiếm Việt Nam. Chưa ai có thể đặt chân lên đến vùng cao nguyên này, dù có một người đã từng có ý định là ông Nguyễn Thông, nhưng vì một số lí do, ông chỉ dừng lại ở khu vực Madagui hiện nay. Trong cuộc xâm lược Việt Nam và Đông Dương, người Pháp đã phải chịu rất nhiều tổn thất lực lượng do binh lính Pháp không thể sinh sống ở vùng nhiệt đới nóng nực và nhiều dịch bệnh chết chóc này. Từ đó, người Pháp phát động một cuộc tìm kiếm vùng đất hứa có khí hậu mát mẻ, nơi người Pháp có thể dưỡng bệnh và hồi sức cho chiến tranh và từ đó, Langbiang hiện ra như một vùng đất hồi sinh cho quân Pháp ở Đông Dương.


Người được cho tìm ra Đà Lạt là bác sĩ Alexandre Yersin, ông đã lần đầu đặt chân đến cao nguyên Langbiang vào năm 1893 và sau đó tiếp có các cuộc hành trình lên vùng đất này để ghi chép, đo đạc các số liệu về khí hậu, địa hình, tài nguyên,…

Với nhu cầu tìm ra vùng đất có khí hậu ôn hòa ngày càng trở nên cấp thiết, năm 1997, toàn quyền Đông Dương bây giờ là Paul Doumer đã yêu cầu bác sĩ Yersin tìm kiếm một nơi để xây dựng trạm điều dưỡng có khả năng thỏa mãn các điều kiện sau: nằm ở độ cao trên 1200m, địa hình bằng phẳng, có nguồn nước dồi dào, đất đai có khả năng canh tác và xây dựng các tuyến giao thông. Và nhận thấy không có nơi nào thích hợp hơn cao nguyên Langbiang nên ông ngay lập giới thiệu vùng đất này đến vị toàn quyền.

Năm 1899, toàn quyền  Paul Doumer đã quyết định thành lập hai trạm hành chính tại Tánh Linh và cao nguyên Langbiang làm tiền đề xây dựng thành phố Đà Lạt sau này. Đến năm 1916 vua Duy Tân ra chỉ dụ thành lập thị xã Đà Lạt, thuộc tỉnh Lâm Viên (Lâm Đồng ngày nay). 

Từ năm 1900, các tuyến đường bộ từ Sài Gòn và đường sắt từ Phan Rang lên Đà Lạt dần được xây dựng, có điều kiện giao thông thuận lợi nên Đà Lạt rất nhanh chóng phát triển.

Đến năm 1916, Đà Lạt đã phát triển hơn nhưng vẫn chỉ là một khu thị tứ nhỏ với khoảng 8 căn nhà gỗ tập trung hai bên bờ suối Cam Ly (Sau này là hồ Xuân Hương). Trong 8 căn nhà đó có 9 phòng khách sạn phục vụ các du khách người Pháp nghỉ dưỡng tại đây. Đến năm 1923, đồ án phát triển thành phố Đà Lạt đã hoàn thành và khi đó thành phố này đã có 1500 cư dân.


Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nước Pháp thất trận trước quân phát xít Đức, nên những người Pháp đang làm việc tại Việt Nam không thể quay trở về nước nên họ đã tập trung chuyển lên Đà Lạt để sinh sống. Từ đây Đà Lạt trở nên sầm uất hơn, các trang trại trồng rau và chăn nuôi được thành lập để cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho người Pháp tại đây.

Đến năm 1950-1954, Đà Lạt là kinh đô của Hoàng triều cương thổ do vua Bảo Đại đứng đầu, có tổng dân số trên 25.000 người

Sau khi hiệp định Geneve được ký kết vào năm 1954, dân số Đà Lạt bắt đầu tăng lên nhanh chóng bởi lượng người di cư từ miền Bắc vào. Dưới chính quyền của Miền Nam thời bấy giờ, Đà Lạt đã phát triển như một trung tâm giáo dục khóa học lớn của Việt Nam.

Trong thời gian này nhiều cơ sở và trung tâm nghiên cứu được thành lập như Viện Đại học Đà Lạt ( sau này là trường đại học Đà Lạt, thành lập năm 1957), Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt (Thành lập năm 1959), Thư viện Đà Lạt (Thành lập năm 1960), trường Đại học Chiến tranh Chính trị (Thành lập năm 1966), trường Chỉ huy và Tham mưu (Thành lập năm 1967). Các công trình phục vụ cho nhu cầu nghỉ mát và du lịch tiếp tục được sửa chữa, hàng loạt biệt thự do các quan chức Sài Gòn, chùa, tu viện, nhà thờ được xây dựng mới...và Đà Lạt cũng là địa điểm hấp dẫn với các văn nghệ sĩ tìm nơi yên bình để sáng tác.

Sau năm 1975, với sự rút đi của quân đội và bộ máy chính quyền của miền Nam, nhưng lại được bổ sung bởi người di cư và bộ máy chính quyền mới nên dân số Đà Lạt vẫn ở mức ổn định là 86 000 người. Du lịch Đà Lạt trong thời gian này hầu như bị lãng quên. Nhưng đến những năm 1980 và thập niên 1990 hàng loạt các khách sạn và nhà hàng được sửa chữa và xây dựng mới, nhiều biệt thự được đưa vào phục vụ khách du lịch...Đà Lạt lại trở về thời hoàng kim của nghành du lịch và trở thành một thành phố nghỉ mát hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Kinh tế

Nhờ vào điều kiện đất đai, khí hậu mát mẻ quanh năm, cộng với nhiều tài nguyên du lịch sẵn có nên du lịch Đà Lạt rất phát triển, chiếm hơn 70% GDP của thành phố. Với khung cảnh lãng mạn đi vào lòng người, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ bình dân đến cao cấp, nhiều khu du lịch hấp dẫn, tất cả tạo nên một thành phố du lịch mộng mơ. Nhưng mặt khác, cùng với sự phát triển du lịch thì Đà Lạt cũng đang hứng chịu hậu quả của đô thị hóa, các công trình bê tông ngày càng mọc lên nhiều, thay thế cho các rừng thông bạc ngàn, môi trường ngày càng ô nhiễm cộng với sự nóng lên hàng năm đã đánh mất dần hình ảnh thành phố Đà Lạt trong mắt du khách.


Ngoài ra, nông nghiệp cũng chiếm vị trí khá quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố Đà Lạt. Với khí hậu mát mẻ, đất đai rộng và phì nhiêu, Đà Lạt là nơi rất thích hợp để trồng các loại hoa, rau, củ, quả. Thực tế thì các mặt hàng nông sản cũng góp phần rất lớn cho sự phát triển du lịch của thành phố. Nói đến Đà Lạt thì không thể không nhắc đến dâu tây, khoai tây, các loại rau sạch và là thế giới của muôn vàng loài hoa. Hiện nay Đà Lạt đang có các khu vực chuyên canh về cây trồng nổi tiếng, tạo lên thương hiệu riêng của thành phố như làng hoa Vạn Thành, làng hoa Thái Phiên, làng hoa Hà Đông, chợ nông sản Trại Mát...

Khác với phương pháp canh tác ở các vùng khác, vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt( mưa đá, lốc xoáy, thời tiết lạnh,..) nên nông dân ở đây trồng trọt phần lớn theo công nghệ nhà kính, phương tiện sản xuất hiện đại, theo quy trình khép vì vậy các sản phẩm nông nghiệp ở đây có chất lượng rất tốt. Những  năm gần đây, nhờ vào phương pháp canh tác công nghệ cao, sử dụng phương thức thủy cảnh nên các sản phẩm rau, củ và dâu tây ở đây tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nông dân.

Tính đến năm 2015, diện tích gieo trồng cây hàng năm ở Đà Lạt đạt 120 134 hecta. Tăng 24 000ha so với năm 2005, quy mô diện tích cây trồng hàng năm đều tăng trung bình khoảng 4,6%.


Giới thiệu về Đà Lạt Giới thiệu về Đà Lạt
7/10 399 bình chọn

Comments